Những năm trở lại đây việc bồi thường, chi trả, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất luôn nhận được sự quan tâm và cũng là vấn đề nhức nhối phát sinh nhiều khiếu kiện, khiếu nại. Khi chủ thể có đất bị thu hồi các quyền lợi của chủ thể này sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, theo đó mà nhà nước ban hành những chính sách hỗ trợ người có đất bị thu hồi trong trường hợp này. Vậy cụ thể quy định giá đền bù đất làm đường năm 2023 như thế nào? Tại nội dung bài viết dưới đây, Luật sư giao thông sẽ chia sẻ đến bạn đọc quy định về vấn đề này, hi vọng bài viết hữu ích với người đọc.
Căn cứ pháp lý
Luật Đất đai 2013
Những trường hợp nào Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng?
Tại Điều 62 Luật Đất đai 2013 quy định về các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng như sau:
– Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất;
– Thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất, bao gồm:
+ Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
+ Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; công trình di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp quốc gia;
+ Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia; công trình thu gom, xử lý chất thải;
– Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm:
+ Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; công trình di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp địa phương;
+ Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải;
+ Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;
+ Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;
+ Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản.
Giá đền bù đất làm đường năm 2023 như thế nào?
Căn cứ tại điểm c khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
…
3. Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm:
…
c) Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;
Theo đó, thu hồi đất để làm đường được xem là một trong những trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Do đó, người có đất bị thu hồi để làm đường sẽ được Nhà nước bồi thường.
Hiện nay, không có bất kỳ quy định nào đưa ra về giá cụ thể mà Nhà nước bồi thường cho người dân khi thu hồi đất để làm đường. Theo đó, việc xác định giá bồi thường đất làm được cho người dân sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Cụ thể, tại điểm đ khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai 2013 quy định giá đất cụ thể được sử dụng để làm căn cứ tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Về giá đất cụ thể, phương pháp tính được thực hiện theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 44/2014/NĐ-CP như sau:
Phương pháp định giá đất
…
5. Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất là phương pháp định giá đất bằng cách sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất nhân (x) với giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành.
Theo đó, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để làm đường sẽ được xác định theo công thức sau:
Hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) x giá đất trong bảng giá đất
Lưu ý: giá đất trong bảng giá đất sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Quy trình thu hồi đất làm đường năm 2023
Tùy theo tình hình thực tế tại các địa phương mà các bước có thể thay đổi nhưng về cơ bản, chính quyền sẽ thực hiện 5 bước dưới đây:
Bước 1: Thông báo thu hồi cho các bên liên quan
Tại các địa phương, Ủy ban nhân dân (UBND) là cơ quan công quyền có thẩm quyền đưa ra thông báo thu hồi đất. Tất cả các chủ đất có đất bị thu hồi đều sẽ nhận được thông báo này.
Trong đó, quyền hạn thu hồi đất của UBND cấp huyện (hoặc tương đương) và UBND cấp tỉnh là khác nhau. Thông thường, quyền hạn của UBND cấp tỉnh trong việc thu hồi đất sẽ lớn hơn cấp huyện và chủ yếu chỉ xử lý các trường hợp thu hồi phức tạp:
– UBND cấp huyện đưa ra các quyết định thu hồi đất làm đường trong trường hợp chủ đất là công dân, tổ chức, cộng đồng dân cư mang quốc tịch Việt Nam. Trong một số trường hợp, UBND cấp huyện cũng có thể ra quyết định thu hồi đất đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng vẫn sở hữu đất hợp pháp ở Việt Nam.
– UBND cấp tỉnh đưa ra quyết định thu hồi đất làm đường đối với tổ chức tôn giáo người Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao tại Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, UBND cấp tỉnh mới có quyền đưa ra quyết định thu hồi quỹ đất công ích của xã, phường (hoặc tương đương) do mình quản lý.
Bước 2: Tiến hành kiểm kê đất đai, tài sản kèm theo đất
Sau khi chính thức nhận được quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền, chủ đất có nghĩa vụ phối hợp với đơn vị thực hiện kế hoạch thu hồi đất được chỉ định. Đơn vị này sẽ tiến hành đo đạc, kiểm đếm các tài sản đi kèm theo diện tích đất được thu hồi. Lúc này chủ đất nên có mặt để chứng thực biên bản kiểm đếm của đơn vị thu hồi đất.
Lưu ý: việc chủ đất phối hợp với đơn vị thu hồi đất là nghĩa vụ bắt buộc. UBND cấp huyện hoặc tương đương sẽ cho chủ đất thời hạn 10 ngày kể từ khi chính thức nhận được quyết định thu hồi đất để phối hợp thực hiện quy trình giải phóng mặt bằng cũng như lập căn cứ bồi thường. Nếu sau 10 ngày chủ đất vẫn không hợp tác thì sẽ có quyết định cho phép đơn vị giải phóng mặt bằng thực hiện kiểm đếm tài sản bắt buộc.
Bước 3: Xây dựng, thẩm định phương án đền bù cho chủ đất
Đơn vị làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng do UBND địa phương chỉ định có nghĩa vụ xây dựng phương án đền bù cho chủ đất. Phương án đền bù này có thể bao gồm các mục như bồi thường, hỗ trợ đời sống hoặc tổ chức tái định cư cho người dân. Sau khi đã xây dựng được phương án đền bù, đơn vị giải phóng mặt bằng cần xin ý kiến của UBND địa phương và tổ chức lấy ý kiến người dân về dự thảo phương án đền bù.
Tại một số địa phương, UBND có thể tiếp tục phân một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định lại dự thảo phương án đền bù cho người dân.
Bước 4: Công khai phương án đền bù cho chủ đất
UBND đã ra thông báo thu hồi đất cũng là đơn vị sẽ công bố phương án đền bù cho các chủ đất. Đây chính là thời điểm người dân biết chính xác giá đền bù đất làm đường.
Lưu ý: việc công khai phương án đền bù sẽ được niêm yết tại trụ cơ UBND, nơi sinh hoạt cộng đồng của bà con dân cư khu vực cũng như gửi quyết định bồi thường đến tất cả các chủ đất có liên quan. Trong quyết định này có một số thông tin quan trọng như sau:
– Mức bồi thường cụ thể cho từng trường hợp.
– Cách thức hỗ trợ, bố trí nhà, đất tái định cư (nếu có).
– Thời gian, hình thức chi trả tiền đền bù.
– Thời gian chủ đất cần bàn giao diện tích đất đã có quyết định thu hồi cho đơn vị giải phóng mặt bằng.
Bước 5: Tổ chức chi trả tiền đất bù cho chủ đất
Theo Điều 93, Luật Đất đai 2013, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần giải quyết việc trả tiền đền bù cho người dân trong thời hạn 30 ngày kể từ khi có quyết định thu hồi đất chính thức.
Nếu người dân bị chi trả tiền đền bù chậm thì ngoài khoản đền bù cố định, các khoản hỗ trợ đời sống khác thì còn nhận được một khoản phí riêng tính bằng hạn mức chậm nộp tại Luật quản lý thuế.
Nếu người dân có đất bị thu hồi không nhận tiền đền bù thì toàn bộ số tiền này sẽ được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc Nhà nước địa phương.
Trên đây là nội dung liên quan đến vấn đề “Giá đền bù đất làm đường năm 2023 như thế nào?“. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống.
Câu hỏi thường gặp:
– Một là đền bù bằng đất: Việc đền bù này được thực hiện bằng cách giao đất có cùng mục đích sử dụng với đất thu hồi. Loại đất bị thu hồi là đất nông nghiệp thì sẽ được đền bù bằng một diện tích đất nông nghiệp tương đương.
– Hai là đền bù bằng tiền: Trường hợp không có đất để đền bù, người dân sẽ được bồi thường một khoản tiền bằng giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá đất tại thời điểm quyết định thu hồi. Trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới, nếu có chênh lệch về giá trị thì phải thanh toán bằng tiền đối với phần chênh lệch đó.
Nếu chủ đất bị thu hồi cảm thấy giá đền bù đất nông nghiệp chưa thỏa đáng với mức bồi thường do UBND huyện đưa ra. Thì chủ đất có thể thực hiện khiếu nại quyết định bồi thường của UBND huyện theo quy định tại Khoản 1, Điều 7, Luật khiếu nại 2011.
Có 2 định mức đền bù đối với đất thu hồi để làm đường cao tốc, cụ thể như sau:
– Theo Điều 79 Luật Đất đai 2013, nếu người dân bị thu hồi đất để làm đường cao tốc và mảnh đất đó đáp ứng đủ các điều kiện để nhận đền bù thì giá đền bù áp dụng theo đơn giá bồi thường của UBND cấp Tỉnh hoặc tương đương.
– Theo Điều 77 Luật Đất đai 2013, nếu người dân bị thu hồi đất làm đường cao tốc nhưng mảnh đất đó chưa đủ điều kiện để nhận được bồi thường thì Nhà nước chỉ chi trả đền bù theo giá đất nông nghiệp.
Trong trường hợp người dân bị thu hồi đất làm đường cao tốc và trên diện tích đất đó có nhà ở hoặc tài sản gắn liền với đất thì cũng được bồi thường theo đúng quy định.